Vụ chôn lấp bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu – Quy trình xử lý có vấn đề

(SGGP).- Ngày 28-9, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức lấy mẫu và thu thập thông tin liên quan đến vụ xử lý hàng trăm tấn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu tại công trường thi công tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành Đai Ngoài. Kết quả bước đầu cho thấy, quá trình lưu giữ, vận chuyển và xử lý lượng bùn thải độc hại trên có vấn đề…

(SGGP).- Ngày 28-9, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) Bộ Công an phối hợp với Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TPHCM) tổ chức lấy mẫu và thu thập thông tin liên quan đến vụ xử lý hàng trăm tấn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu tại công trường thi công tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài. Kết quả bước đầu cho thấy, quá trình lưu giữ, vận chuyển và xử lý lượng bùn thải độc hại trên có vấn đề…

Đại tá Phan Hữu Vinh, Cục phó C49B cho biết: Việc lấy mẫu bùn phân tích mức độ nguy hại được tiến hành tại 2 địa điểm: khu vực chôn lấp trên phần đất mà Xí nghiệp Bình Triệu (thuộc Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam) giao cho Ban Quản lý Dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành Đai Ngoài và Khu xử lý chất thải Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

Theo Quy chuẩn Việt Nam 07-2009, dư lượng thuốc trừ sâu tồn lưu trong môi trường ở bất cứ dạng nào đều được xếp vào chất thải nguy hại (CTNH). Mức độ nguy hại ở ngưỡng nào thì phải chờ kết quả phân tích. Tuy nhiên, căn cứ thực địa và một số báo cáo trước đó của Sở TN-MT TP, bước đầu cơ quan chuyên môn xác định hàng trăm tấn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu trên thuộc trong nhóm CTNH phải được quản lý chặt chẽ từ khâu thu gom, lưu giữ, vận chuyển đến xử lý. Thế nhưng, quy trình xử lý theo phương pháp phun xịt chế phẩm GEM – K được thực hiện thời gian qua đối với lượng CTNH quá lớn trên là không đúng với quy định pháp luật.

Cũng theo Đại tá Phan Hữu Vinh, trong một báo cáo của Sở TN-MT gửi lãnh đạo C49B có nói đến kết quả các lần lấy mẫu và phân tích trước đó đối với lượng bùn thải trên đều xác định là chất thải không nguy hại. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay các cơ quan phân tích thí nghiệm mẫu đã không đưa ra được biên bản, vị trí lấy mẫu ở khu vực nào. Chính vì vậy, các kết quả phân tích được thực hiện không có cơ sở kết luận và phải được tiến hành lấy mẫu, phân tích lại từ đầu để có cơ sở kết luận, xem xét xử lý trách nhiệm đối với những cá nhân, đơn vị liên quan.

Ông Nguyễn Văn Đát, Phó tổng giám đốc Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam khẳng định: “Hầm chứa chất thải nhiễm thuốc trừ sâu đã có từ lâu”.

Theo ông Đát, hầm chứa này nằm trong khu vực nhà kho có từ trước năm 1975 do Công ty Mytox quản lý. Từ ngày tiếp quản (1977) đến nay, công ty không hề biết có hầm chứa này. Ngày 21-6-2011, đơn vị thi công dự án phát hiện có hầm chứa và báo cáo cơ quan chức năng hướng giải quyết. Ngày 5-7-2011, Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam ký hợp đồng với Công ty CP Môi trường Việt Úc xử lý lượng bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu trên. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay Công ty CP Môi trường Việt Úc mới vận chuyển và xử lý được 5.660kg theo phương pháp đốt. Phần lớn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu còn lại được xử lý theo phương pháp khử mùi do Sở TN-MT đưa ra.

Đến Xí nghiệp Bình Triệu tại đường 19, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), một cán bộ hành chính đưa chúng tôi ra khu vực chứa hàng trăm tấn bùn thải nhiễm thuốc trừ sâu chưa được vận chuyển đi. Những đống bùn thải cao ngất nồng nặc mùi thuốc trừ sâu nằm ngay đầu hẻm đường 19. Người dân qua lại đều phải bịt mũi vì không thể chịu nổi nồng độ độc hại bốc ra.

Ông Lại Mạnh Hà (ngụ 5A/27 đường 19), nói: Hơn 3 tháng qua người dân khu phố 4 phải sống trong cảnh ô nhiễm nồng nặc thuốc trừ sâu. Người già, trẻ em đều không chịu nổi, có nhiều người ngã bệnh vì chất độc hại trên. Hàng ngày Xí nghiệp Bình Triệu cho xe xúc xới những đống bùn thải độc hại trên rồi phun hóa chất lên, càng làm tăng nồng độ độc hại và mùi hôi thêm nồng nặc. Ông Hà cũng cho biết, theo nhiều người dân sinh sống lâu năm tại đây thì hầm chứa thuốc trừ sâu đã có gần 40 năm nay nhưng không được Xí nghiệp Bình Triệu phát hiện và đề nghị xử lý. Rất có thể một lượng chất độc hại đã thẩm thấu ra môi trường, gây ô nhiễm cho nhiều khu vực xung quanh.

Theo: sggp.org.vn

Share: