Dự án chôn lấp đất nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát được hoàn tất ngày 18/8 vừa qua, điều đó có nghĩa là sân bay này được loại khỏi danh sách ba điểm nóng nhiễm dioxin của Việt Nam gồm sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.
Là đại diện của Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) với vai trò cố vấn kỹ thuật cao cấp, ông Mick Saito cho biết: Phương pháp chôn lấp đất bị nhiễm độc là phương pháp kinh điển trên thế giới, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và được áp dụng nhiều nơi, kể cả ở Mỹ và Nhật Bản. Để đảm bảo an toàn và lâu dài, lớp đất trên cùng của “nấm mồ dioxin” khá dày, cho phép cây cỏ mọc lên, và thiết kế độ dốc cũng hợp lý, tránh bị xói mòn do mưa. Với việc hoàn tất dự án ở Phù Cát này, giờ Chính phủ Việt Nam tuyên bố nơi đây đã an toàn. Đó là thông điệp rất quan trọng với mọi người sống gần sân bay. Điều đó giúp giải tỏa tâm lý lo sợ cho người dân, họ không còn cảm thấy bị đe doạ về mặt tinh thần, sẽ không còn lo sợ là mình và gia đình có thể bị nhiễm chất độc và ảnh hưởng sau này.
Tuy nhiên, vấn đề của dự án này chính là bãi chôn lấp cần phải được giám sát để đảm bảo chất độc không bị phát tán ra bên ngoài khu xử lý. Giống như lo ngại của đại diện Trung đoàn 940, khu chôn lấp chỉ cách khu dân cư 500m và ngay trẻ chăn trâu cũng có thể “đột nhập” vào, chỉ đơn giản là đùa nghịch kiểu “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Vì thế, Trung đoàn mong muốn có nguồn kinh phí để thực hiện công việc này. Bên cạnh đó, ông Saito khuyến cáo, mạch nước ngầm tại sân bay Phù Cát qua giếng khoan không nên dùng để uống trực tiếp và nấu ăn, chỉ nên dùng để tắm và giặt hàng ngày.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Minh Luận, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho biết, mạch nước ngầm trong đất nhiễm dioxin có thể ảnh hưởng tới người dân sống xa sân bay trong bán kính khoảng 2km. Hiện tỉnh chưa có kết luận chính thức về mức độ ảnh hưởng và Sở Tài nguyên và Môi trường rất mong muốn được tham gia kiểm tra độ an toàn của khu đất trong thời gian tới.
Nguồn : monre.gov.vn