Kính gửi: Công Ty TNHH LEADERS COSMETICS VIỆT NAM.
Cục Thuế có nhận công văn không số ngày 12/07/2018 của Công ty hỏi về việc hồ sơ tiêu hủy hàng tồn kho hết hạn sử dụng và hàng kém chất lượng.
Tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/06/2015 của Bộ Tài chính có quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
“ 2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
…
b) Hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:
– Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
– Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
– Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
c) Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
…”.
Tại điểm d, khoản 3, Điều 64 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính có quy định về thủ tục hải quan xử lý nguyên liệu, vật tư dư thừa; phế liệu, phế phẩm; máy móc, thiết bị thuê, mượn:
“d) Tiêu huỷ nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm tại Việt Nam:
d.1) Tổ chức, cá nhân có văn bản gửi Chi cục Hải quan nơi nhập khẩu nguyên liệu, vật tư phương án sơ hủy, tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm, trong đó nêu rõ hình thức, địa điểm tiêu huỷ. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;
d.2) Cơ quan hải quan giám sát việc tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên đánh giá tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân.
Trường hợp người khai hải quan là doanh nghiệp ưu tiên, tổ chức, cá nhân tự chịu trách nhiệm tổ chức việc tiêu hủy, cơ quan hải quan không thực hiện giám sát …”.
Tai Điều 72 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính có quy định về thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm:
“1. Thủ tục tiêu hủy thực hiện như thủ tục tiêu hủy nguyên liệu, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm gia công quy định tại điểm d khoản 3 Điều 64 Thông tư này.
2. Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm tiêu hủy nguyên liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm theo đúng quy định của pháp luật”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, trường hợp Công ty sản xuất mặt nạ dưỡng da từ thạch dừa, có tồn kho một số thành phẩm đã hết hạn sử dụng và kém chất lượng phải tiêu hủy không được bồi thường thì xử lý như sau:
– Đối với nguyên vật liệu nhập khẩu: Công ty cần thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính. Cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm giám sát việc tiêu hủy nguyên vật liệu.
– Đối với nguyên vật liệu, hàng hóa mua trong nước: Công ty được phép tự tiêu hủy và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, đồng thời nếu Công ty đảm bảo đầy đủ các điều kiện, hồ sơ, tài liệu theo hướng dẫn tại điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Các hồ sơ được lưu tại Công ty và xuất trình với Cơ quan thuế khi có yêu cầu.
Trên đây là ý kiến của Cục Thuế Bình Dương trả lời cho Công ty biết để thực hiện./.
Nơi nhận: KT. CỤC TRƯỞNG
– Như trên; PHÓ CỤC TRƯỞNG
– Lãnh đạo cục (Email b/c);
– P. KT1,KT2, KT3(Email);
– Lưu: VT, P.TT & HT.P.
(180718/ZV09/0001/009886221) Đã ký : Nguyễn Minh Hải