Việt Nam và Mỹ cùng đóng điện, đưa vào vận hành hệ thống xử lý 45.000 m3 bùn đất nhiễm dioxin ở “điểm nóng” tồn tại chất độc này sau chiến tranh.
Ngày 19/4, Quân chủng Phòng không Không quân (Bộ Quốc phòng Việt Nam) và Cơ quan phát triển quốc tế của Mỹ (USAID) làm lễ đóng điện hệ thống xử lý đất nhiễm dioxin ở Đà Nẵng. Đây là giai đoạn 1 của dự án Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, kinh phí 84 triệu USD do Mỹ tài trợ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, khẳng định dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở sân bay Đà Nẵng có ý nghĩa to lớn trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mỹ. “Dự án này chôn vùi, khắc phục hậu quả quá khứ, mở con đường đến tương lai tốt đẹp giữa hai nước”, ông nói.
Hệ thống điện đã được đóng để tẩy dioxin, trả đất sạch về cho Đà Nẵng. Ảnh: Ngọc Trường
Lần đóng điện này sẽ bắt đầu việc nung nóng 45.000m3 bùn đất nhiễm dioxin đã được đưa vào bể chứa khởi công xây dựng từ tháng 8/2012. Việc tẩy chất độc dioxin trong đất được thực hiện theo công nghệ khử hấp thu nhiệt ở mức tối thiểu là 335 độ C để phân hủy phân hủy 95% dioxin tồn dư trong bùn đất.
Lò được đốt nóng khoảng 4 tháng liên tục. Lượng dioxin chưa được phân hủy trong mố qua quá trình khử hấp thụ nhiệt sẽ được thu gom dưới dạng lỏng hoặc hơi, sau đó tiếp tục được xử lý trước khi trả về môi trường.
Giai đoạn 2 của dự án được tiến hành từ tháng 2/2014, bằng việc tiếp tục xử lý khoảng 28.000 m3 đất nhiễm dioxin còn lại ở điểm nóng này, trả lại đất sạch và môi trường trong lành cho người dân. Dự kiến năm 2016, sân bay Đà Nẵng không còn đất nhiễm dioxin.