Bãi độc Z1 sân bay Biên Hòa, nơi vào năm 2009 đã hoàn thành chôn lấp cách ly 94.000 m3 đất nhiễm dioxin – Ảnh chụp lại
(TNO) Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả da cam/dioxin ở VN (Văn phòng BCĐ 33) hôm 17.5 đã tổ chức hội đàm nhằm tìm các giải pháp phòng chống tác hại của chất da cam/dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai).
Theo báo cáo, hiện nay tình trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa rất phức tạp. Mặc dù vào năm 2009 đã hoàn thành chôn lấp cách ly 94.000 m3 đất nhiễm dioxin ở khu vực Z1 sân bay Biên Hòa, nhưng khu vực phía nam Z1 và khu vực phía tây sân bay vẫn còn hơn 10ha bị ô nhiễm.
Ngoài ra, khoảng 5-7 ha diện tích ao hồ trong sân bay cũng bị nhiễm nặng, gây ảnh hưởng đến các động vật thủy sinh và các chuỗi thực phẩm.
Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của Sở TN-MT Đồng Nai, giai đoạn 2009-2010 đã phát hiện 3/10 vị trí ô nhiễm mới. Đến năm 2011, kết quả quan trắc phát hiện thêm 7/23 vị trí có hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép, nâng tổng số 10/23 điểm nhiễm dioxin. Theo Sở TN-MT, cần phải tiến hành điều tra sự phơi nhiễm dioxin khu vực dân cư xung quanh sân bay Biên Hòa, xác định người bị nhiễm để có các biện pháp hỗ trợ, khuyến cáo kịp thời.
PGS-TS Lê Kế Sơn – Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 33 – cho biết sân bay Biên Hòa là khu vực có nồng độ nhiễm dioxin cao nhất thế giới. Không chỉ là nơi ô nhiễm rộng nhất, trong khu vực cũng tồn tại nhiều hồ nuôi cá, gia cầm, thủy sinh có nguy cơ gây ô nhiễm cao cho con người, nếu những sản phẩm này bị đưa ra bên ngoài thị trường tiêu thụ.
Ông Sơn khẳng định, đến năm 2020 Việt Nam sẽ tiến hành giải trừ xong lượng chất da cam/dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Nguồn: Thanhnien.com.vn