Quản lý PCB tại Việt Nam

Chất hữu cơ khó phân hủy (POP) là hợp chất có độc tính cao, bền vững trong môi trường, tích tụ trong mô mỡ của sinh vật sống, có khả năng phát tán trên diện rộng và là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người và môi trường như ảnh hưởng về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen...

Chất hữu cơ khó phân hủy (POP) là hợp chất có độc tính cao, bền vững trong môi trường, tích tụ trong mô mỡ của sinh vật sống, có khả năng phát tán trên diện rộng và là nguyên nhân gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ con người và môi trường như ảnh hưởng về sinh sản, thần kinh, miễn dịch, ung thư, tổn thương gen…
Vì vậy, Công ước Stốckhôm về các hợp chất POP đã được cộng đồng quốc tế thông qua vào ngày 22/5/2001 và có hiệu lực vào ngày 19/5/2004, yêu cầu quản lý 21 chất, nhóm chất POP gồm một số loại hóa chất bảo vệ thực vật, hóa chất dùng trong công nghiệp và hóa chất hình thành và phát sinh không chủ định trong quá trình sản xuất và sinh sống. Ngày 22/7/2002, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Công ước Stốckhôm và trở thành thành viên thứ 14 của Công ước. Để triển khai thực hiện Công ước, trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành các hoạt động khảo sát thực trạng ô nhiễm, tăng cường năng lực, bổ sung quy định pháp lý, tăng cường kiểm tra, thanh tra về các chất POP. Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Stốckhôm (KHQG), được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn tại Quyết định số 184/2006/QĐ-TTg ngày 10/8/2006. KHQG của Việt Nam đã xác định 15 đề án ưu tiên thực hiện về quản lý, xử lý POP tại Việt Nam, trong đó hoạt động quản lý và tiêu hủy an toàn PCB là một trong các nhiệm vụ ưu tiên.Một trong 21 nhóm chất của POP quy định trong Công ước Stốckhôm là polyclobiphenyl (PCB). Đây là một nhóm hợp chất thơm có chứa hạt nhân biphenyl với ít nhất một nguyên tử hydro được thay thế bằng nguyên tử clo. PCB được coi là một trong các hợp chất thuộc nhóm POP gây rủi ro cao đối với sức khỏe con người và môi trường nếu như không được quản lý, xử lý một cách hợp lý. Do có đặc tính điện môi tốt, rất bền vững, không cháy, chịu nhiệt và ăn mòn hóa học, PCB đã từng được sử dụng phổ biến làm chất điện môi trong máy biến thế và tụ điện, chất lỏng dẫn nhiệt trong hệ thống truyền nhiệt và nước, chất làm dẻo trong PVC và cao su nhân tạo, là thành phần trong sơn, mực in, giấy không chứa cacbon, chất dính, chất bôi trơn, chất bịt kín trong các công trình xây dựng và chất để hàn. PCB cũng được sử dụng như chất phụ gia của thuốc trừ sâu, chất chống cháy (trong vải, thảm…) và trong dầu nhờn (dầu kính hiển vi, phanh, dầu cắt…).
Việt Nam không sản xuất PCB nhưng nhập khẩu khá nhiều thiết bị và dầu có khả năng chứa PCB như dầu biến thế, dầu cách điện, dầu công nghiệp. Do không còn nhập khẩu thêm lượng dầu hay thiết bị chứa PCB, vấn đề chính của Việt Nam hiện nay là nhận biết, xác định, quản lý và tiêu huỷ an toàn thiết bị, dầu và chất thải chứa PCB đang sử dụng hoặc đã thải bỏ. Kết quả khảo sát trong những năm vừa qua cho thấy, hiện còn tồn tại hàng chục ngàn tấn dầu chứa PCB tại Việt Nam. Mặt khác, do vấn đề về nhận thức, ý thức chưa cao, việc quản lý dầu thải, trong đó có cả dầu biến thế thải, tại nhiều cơ sở, doanh nghiệp của Việt Nam chưa thật sự an toàn, chặt chẽ, vì vậy, vẫn tồn tại nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, việc kiểm soát ô “lây nhiễm chéo” PCB do pha trộn các loại dầu có chứa PCB và không chứa PCB sẽ là một thách thức lớn cho công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm PCB.
Để góp phần BVMT và sức khỏe cộng đồng trước nguy cơ do các chất POP nói chung và PCB nói riêng gây ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”. Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới và được thực hiện trong 5 năm (2010 – 2015). Dự án có mục tiêu là tăng cường năng lực quốc gia về quản lý PCB, lưu trữ an toàn PCB, và tiến tới tiêu hủy, loại bỏ hoàn toàn PCB để hạn chế rủi ro đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Đây là dự án tiếp nối của hai dự án ban đầu là Dự án “Trình diễn quản lý và tiêu hủy PCB – pha chuẩn bị” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới và Dự án “Quản lý và thải loại PCB trong các hệ thống điện theo cách thân thiện với môi trường” do Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sỹ (SDC) tài trợ, thực hiện từ năm 2007.
Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt cam kết của mình đối với Công ước Stốckhôm và cộng đồng quốc tế nói chung, giúp Việt Nam phòng ngừa và hạn chế ô nhiễm môi trường liên quan đến các hợp chất POP, nâng cao chất lượng môi trường, góp phần bảo vệ môi trường Việt Nam, khu vực và toàn cầu.
TS. Phạm Mạnh Hoài
Văn phòng dự án PCB, Tổng cục Môi trường
TS. Nguyễn Anh Tuấn
Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường

Chia sẻ: