Lợi ích khi thực hiện 3R
3R là từ viết tắt của 3 chữ cái đầu trong tiếng Anh: Reduce – Reuse – Recycle (Giảm thiểu – Tái sử dụng – Tái chế).
Thực tế cho thấy, khi thực hiện mô hình 3R sẽ mang lại một số lợi ích cơ bản như: Nâng cao ý thức của người dân, các doanh nghiệp về vấn đề rác và xử lý rác; Ngăn ngừa các vấn đề suy thoái môi trường: giảm ô nhiễm môi trường không khí và nước ngầm; Tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, chi phí khai thác nguyên liệu; Tiết kiệm chi phí thu gom và xử lý rác thải, giảm lượng rác thải hàng ngày; Giảm quỹ đất giành cho việc chôn lấp rác.
Tổng quan về thực hiện 3R ở Việt Nam
Để giúp Việt Nam thực hiện mô hình 3R một cách bài bản, ngày 1/12/2006, Đoàn Chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam nghiên cứu và hỗ trợ.
Ngày 12/2/2007, UBND TP. Hà Nội đã chính thức ra Quyết định phê duyệt dự án 3R. Kể từ ngày 18/3/2007, dự án ”Thực hiện sáng kiến 3R tại Hà Nội để góp phần phát triển xã hội bền vững” do Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) là chủ với mức đầu tư gần 49,5 tỉ đồng từ viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản chính thức khởi động. Thời gian thực hiện dự án kéo dài trong 3 năm Theo ông Chử Văn Chừng – Giám đốc URENCO, hệ thống 3R được thiết lập một cách hài hòa dựa trên các chương trình phân loại rác thải hữu cơ tại nguồn để nâng cao năng lực quản lý và xử lý rác thải hiệu quả tại Thủ đô.
Ở Hà Nội, dự án này mang tính chất thí điểm phân loại rác hữu cơ tại nguồn từ đó nhân rộng ra toàn thành phố và các địa phương khác. Nội dung quan trọng của dự án là thực hiện các hoạt động về giáo dục môi trường, về 3R với tinh thần chống lãng phí đồng thời hướng tới việc cải thiện hệ thống thu gom chất thải rắn đô thị. Theo đó, các hộ gia đình trên địa bàn 4 quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa sẽ được khuyến khích, tuyên truyền nâng cao kiến thức phân loại rác ngay tại nhà: rác hữu cơ (rau, củ, hoa, quả, thức ăn thừa…) khác với rác vô cơ (chai, lọ, gạch vỡ, kim loại…) trước khi đưa ra xe thu gom của các nhân viên môi trường đô thị. Sau đó, thay vì chôn lấp hoặc đốt, rác sẽ được tận dụng trong một số hoạt động có lợi ích kinh tế lớn như chăn nuôi lợn, sản xuất phân com-pốt… Dự án triển khai hoạt động đã sớm gắn kết được các bên liên quan: đơn vị thu gom – người dân – thải rác – nhà máy xử lý rác – nông dân sử dụng phân bón chế biến từ rác. Dự án đi vào hoạt động được gần 9 tháng thì Câu lạc bộ tình nguyện 3R Hà Nội ra đời (12/2007). Với phong cách hoạt động “Năng động, nhiệt tình, sáng tạo”, Câu lạc bộ này đã thu hút được gần 200 tình nguyện viên có chung tình yêu đối với môi trường. Các tình nguyện viên chia làm nhiều nhóm kết hợp với các công nhân thu gom đi hướng dẫn người dân đổ rác đúng nơi quy định.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó tổng giám đốc URENCO, sau 1 năm tham gia dự án 3R, tại những phường thực hiện thí điểm, cảnh quan đô thị sạch hơn, hiện tượng vứt rác bừa bãi giảm tối đa. Độ chính xác trong phân loại rác là 80-90%. Còn để việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện đại trà ở Việt Nam thì cần một thời gian dài, không chỉ để xây dựng các quy định mà còn phải tuyên truyền, cải thiện ý thức người dân. “Một nước tiên tiến như Nhật Bản cũng phải mất 15-20 năm” – ông Hòa nói.
Cùng thời điểm này, việc quản lý chất thải rắn theo mô hình 3R cũng được triển khai thí điểm tại một số quận ở các thành phố lớn. Đồng thời mô hình xử lý rác thải công nghiệp 3R tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh, thành phố cũng ra đời. Điển hình như Công ty TNHH Phát triển Thương mại và Sản xuất Đại Thắng (TP. Hải Phòng) đã đầu tư gần 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy tái chế, xử lý rác thải công nghiệp trên diện tích 18 nghìn m2 với trang, thiết bị hiện đại.
Lợi ích của việc áp dụng mô hình 3R có thể thấy rõ, nhưng việc thực hiện vẫn chưa như ý, vì thói quen xả rác bừa bãi của nhiều người đã trở nên rất khó bỏ. Việc phân loại rác tại nguồn chưa được thực hiện nghiêm chỉnh. Một số chủ nguồn thải quy mô lớn lại chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn.
Mặc dù, một số địa phương trên cả nước đã và đang thực hiện những dự án 3R, song nhìn chung mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ, không đồng bộ và thiếu định hướng. Còn lại các hộ gia đình trong cả nước chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Bên cạnh đó, cộng đồng rộng lớn chưa nhận thấy những lợi ích của việc thực hiện 3R. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học không nhiều.
Một số giải pháp cơ bản
Mục tiêu chiến lược quốc gia đề ra đến năm 2020, 95% chất thải rắn được thu gom và 60% được tái sử dụng và tái chế. Để ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống thì việc thực hiện mô hình 3R được xác định là nhiệm vụ của toàn xã hội. Chiến lược thực hiện 3R phải là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống chính sách, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Để làm được điều đó, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản sau:
1. Nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Nhận thức được tầm quan trọng của hợp tác hành động của chính những người tham gia là rất quan trọng, từ đó mới đẩy mạnh được các hoạt động có liên quan đến 3R.
2. Chia sẻ thông tin.
Sự thành công của môi trường 3R đòi hỏi sự cộng tác giữa những thành phần, đối tượng tham gia vô cùng đa dạng, từ công đoạn thiết kế sản phẩm cho tới giai đoạn tái chế/thải loại, do vậy việc chia sẻ thông tin là yếu tố sống còn để hình thành sự hiểu biết tin cậy và hợp tác giữa những người tham gia.
3. Những chính sách hỗ trợ.
Những chính sách hỗ trợ thúc đẩy mô hình 3R hoạt động có thể chia thành 2 nhóm chính: hỗ trợ kinh tế và hỗ trợ xã hội. Nhóm hỗ trợ kinh tế chủ yếu cho các đối tượng doanh nghiệp bao gồm: ưu đãi thuế, vay lãi suất thấp, trợ cấp và vay tín chấp. Nhóm khuyến khích mang tính xã hội có thể là các cuộc gặp gỡ, trao đổi, ví dụ để giải thích cần phải thu gom thức ăn thừa và rác thải trên các dãy phố bán hàng hoặc các buổi lễ trao thưởng vì môi trường xanh…
4. Quan hệ hợp tác.
Để nhận thức đầy đủ vai trò của chính mình trong giai đoạn đầu triển khai mô hình 3R, tất cả các bên tham gia đều cần có nỗ lực rất lớn và cần có sự hợp tác phối hợp giữa những thành phần tham gia.
Thứ năm, khoa học – công nghệ (KH-CN)
Không ngừng ứng dụng những nghiên cứu KH-CN vào hệ thống sản xuất – tiêu dùng cho phép tái chế các vật liệu, phát triển các công nghệ sạch nhằm đẩy mạnh thực hiện 3R ở giai đoạn sản xuất và phát triển kỹ thuật để tăng cường 3R ở khâu thiết kế sản phẩm. Ngoài ra, thông qua cung cấp thông tin về KH-CN cho công chúng và những mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, tổ chức nghiên cứu và chính quyền/ cộng đồng địa phương đã góp phần quan trọng để giới thiệu được những thành tựu KH-CN đi vào thực tế cuộc sống của mỗi vùng.