Dùng chất khử mùi rồi chuyển đến chôn lấp ở bãi rác Đông Thạnh có phù hợp và bảo đảm an toàn?
Ngày 27-9, trả lời Pháp Luật TP.HCM về vụ chôn 40 tấn bùn nhiễm thuốc trừ sâu ở bãi rác Đông Thạnh, ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM, cho rằng việc Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) yêu cầu bãi rác Đông Thạnh (xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) dừng tiếp nhận bùn là không đúng. Số bùn này được chuyển đến từ khu đất bị nhiễm thuốc trừ sâu ở phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Sở TN&MT cho phép chôn
ông Kiệt cho biết về cảm quan thì bùn đất nhiễm thuốc trừ sâu ở phường Hiệp Bình Chánh bốc mùi hôi nồng nặc khiến người dân không chịu nổi. Ước tính ban đầu có hàng trăm tấn bùn đã bị nhiễm thuốc trừ sâu.
trước khi quyết định đưa lượng bùn này về chôn ở bãi rác Đông Thạnh, Sở TN&MT có tổ chức cuộc họp với nhiều đơn vị liên quan. Theo đó, phương án xử lý bùn nhiễm thuốc trừ sâu được thực hiện theo ba bước. Đầu tiên, xới đất từng mẻ và phun chế phẩm để xử lý mùi hôi. Khi không còn ngửi thấy mùi thuốc trừ sâu (theo cảm quan) thì mới chở đất về bãi rác Đông Thạnh. Sau đó, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM sẽ bố trí khu vực tiếp nhận để chứa đất nhiễm thuốc trừ sâu và xử lý mùi hôi (nếu còn).
“Trước khi chấp thuận phương án đưa bùn về chôn, chúng tôi đã lấy mẫu phân tích và xác định bùn nhiễm thuốc trừ sâu không phải là chất thải nguy hại” – ông Kiệt nói. Theo kết quả phân tích do một chuyên viên Phòng Quản lý Chất thải rắn (Sở TN&MT) cung cấp, mẫu đất nhiễm thuốc trừ sâu lấy ở dự án đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – vành đai ngoài (gọi tắt là đường vành đai ngoài) có hàm lượng thuốc trừ sâu nằm trong quy chuẩn cho phép. Nhưng khi chúng tôi đề nghị cung cấp biên bản lấy mẫu thì vị này cho biết việc lấy mẫu không được lập biên bản vì Sở TN&MT là cơ quan quản lý nhà nước nên không cần biên bản vẫn có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, sau đó vị này gọi điện thoại “đính chính” rằng chưa khẳng định có lập biên bản lấy mẫu hay không và sẽ kiểm tra lại.
Đại diện Viện Môi trường lấy mẫu bùn thải chứa thuốc sát trùng ở bãi rác Đông Thạnh để xét nghiệm. Ảnh: TẤN TÀI
Thực tế ra sao?
Theo tìm hiểu của PV, sau khi phát hiện khu đất chứa hóa chất thuốc trừ sâu, cuối tháng 6-2011, Phòng TN&MT quận Thủ Đức phối hợp với UBND phường Hiệp Bình Chánh lập biên bản yêu cầu xí nghiệp thuốc trừ sâu chuyển giao số hóa chất này cho Công ty CP Môi trường Việt Úc xử lý.
Tuy nhiên, tại khu vực trên vẫn còn nhiều bùn đất nhiễm thuốc trừ sâu, bốc mùi hôi nồng nặc khiến người dân xung quanh không chịu nổi. Đầu tháng 7-2011, Công ty GS (chủ đầu tư dự án đường vành đai ngoài) kiến nghị Sở TN&MT và các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý khẩn cấp tình trạng ô nhiễm. “Chúng tôi phát hiện lượng hóa chất độc hại trên đang rò rỉ vào đường ống cấp nước và làm ô nhiễm môi trường nước xung quanh. Do tính chất nguy hiểm của hóa chất đối với sức khỏe con người nên mọi công tác thi công của dự án phải ngưng lại” – văn bản gửi Sở TN&MT của Giám đốc dự án đường vành đai ngoài Min Man Keang phản ánh như trên.
Dù vậy, tại buổi trao đổi hôm qua (27-9), ông Kiệt vẫn khẳng định: “Chúng tôi đã thử đi thử lại nhiều lần và xác định dư lượng thuốc trừ sâu trong bùn không vượt quá tiêu chuẩn”. Để chứng minh, ông yêu cầu chuyên viên Phòng Quản lý Chất thải rắn cung cấp kết quả phân tích mẫu đất nhiễm thuốc trừ sâu (như đã nói ở trên). Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi thu thập được, trong số những mẫu đất do Sở TN&MT yêu cầu phân tích ở khu vực trên, có mẫu chứa hàm lượng thuốc trừ sâu vượt quy chuẩn cho phép hơn chín lần.
Chất khử mùi khử được chất độc?
Theo ông Đào Anh Kiệt, sau khi dùng chế phẩm GEM-K phun xịt lên đất nhiễm thuốc trừ sâu thì mùi hôi gần như không còn. Kết quả phân tích mẫu đất sau khi khử mùi cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong đất không vượt ngưỡng cho phép. Thế nhưng theo ghi nhận của C49, mùi hôi của số bùn thải được chôn lấp ở bãi rác Đông Thạnh rất nồng nặc. Mặt khác, đại diện bãi rác Đông Thạnh cũng khai nhận do quá hôi nên liên tục từ ngày 22-9 đến khi bị C49 phát hiện, bãi rác xin được phun thuốc khử mùi hôi với tần suất 2 giờ/lần. Còn theo thông tin từ một nhà cung cấp GEM-K, chế phẩm này chỉ có công dụng xử lý mùi hôi phát sinh từ các loại chất thải hữu cơ và nước thải ô nhiễm có nguồn gốc từ hữu cơ.
Sự cố bất khả kháng, xử lý cấp bách
Chiều 27-9, Sở TN&MT đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM về việc C49 kiểm tra, yêu cầu dừng tiếp nhận bùn nhiễm thuốc trừ sâu ở bãi rác Đông Thạnh. Sở TN&MT cho rằng đây là sự cố bất khả kháng và có tính cấp bách nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như không làm chậm trễ tiến độ dự án vành đai ngoài.
Theo Sở TN&MT, từ ngày 22-6, khi phát hiện hố chôn hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, Xí nghiệp Bình Triệu đã bốc dỡ và chuyển giao cho Công ty CP Môi trường Việt Úc xử lý. Riêng phần đất nhiễm thuốc thuộc dự án vành đai ngoài do Công ty GS E&C thi công, Sở đã lấy mẫu đất đưa đi phân tích với kết quả không vượt ngưỡng chất thải nguy hại. Sau khi phun chế phẩm GEM-K, qua cảm quan thì mùi thuốc đã giảm đáng kể, phân tích mẫu đất thì các chỉ tiêu thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật nhưng không vượt ngưỡng chất thải nguy hại.
Vì vậy, ngày 20-9, Sở TN&MT thống nhất phương án xử lý đất nhiễm thuốc trừ sâu với các Sở GTVT, Phòng TN&MT quận Thủ Đức, UBND phường Hiệp Bình Chánh, Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam – Xí nghiệp Bình Triệu… Cụ thể, phun xịt GEM-K tại chỗ rồi chở về bãi rác Đông Thạnh xử lý tiếp.