LĐO |
Trước thực trạng dân số TP.HCM ngày một gia tăng, số lượng chất thải rắn y tế cũng… phình ra mỗi ngay. TP.HCM phải làm gì, cách nào để xử lý khối lượng chất thải rắn y tế đang ngày càng quá tải?
Không phải ngẫu nhiên, gần đây, Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị (MTĐT) TP.HCM đã đề xuất UBND TP.HCM sớm phê duyệt chủ trương cho Công ty MTĐT hình thành một bãi rác chôn lấp an toàn cho riêng loại chất thải này.
Không ngừng gia tăng
Báo cáo của UBND TP HCM cho biết: Khối lượng chất thải y tế nguy hại ở TP.HCM trung bình năm 2017 khoảng 22 tấn/ngày. Nguồn chất thải này chủ yếu phát sinh từ hơn 6.000 cơ sở y tế công lập và tư nhân. Lâu nay, công tác xử lý chất thải y tế nguy hại được giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường – Đô thị TP HCM thực hiện bằng công nghệ đốt, tiêu huỷ, với 2 lò đốt đang hoạt động tại Bình Hưng Hoà (quận Bình Tân) và Đông Thạnh (huyện Hóc Môn). Hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại tại các cơ sở y tế công lập được TP chi trả.
Đối với cơ sở y tế tư nhân, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại đã được xã hội hoá. Trên cơ sở các con số thống kê cho thấy, khối lượng chất thải y tế nguy hại không ngừng gia tăng trong suốt 10 năm qua. Nếu như năm 2006, bình quân mỗi ngày, ở TP.HCM phát sinh 9 tấn chất thải y tế, thì năm 2007, con số trên tăng lên 10,5 tấn/ngày. Năm 2008 là 11,4 tấn/ngày, năm 2010 là 13 tấn/ngày, năm 2013 là 17,2 tấn/ngày và năm 2016 là 22,2 tấn/ngày…
Vẫn theo đánh giá của UBND TP.HCM, giai đoạn từ năm 2017 – 2030, bình quân mỗi năm, khối lượng rác thải y tế sẽ tăng khoảng 10%/năm. Cụ thể: Nếu như năm 2017, mỗi ngày TP.HCM thải ra 22 tấn rác y tế, thì năm 2020, con số trên sẽ tăng 30 tấn/ngày, năm 2025 là 50,5 tấn/ngày và năm 2030 sẽ tăng 85,2 tấn/ngày… So với rác thải nguy hại (tăng 8%/năm), chất thải rắn công nghiệp (tăng 6%/năm) và chất thải rắn sinh hoạt (tăng 5%/năm), thì chất thải rắn y tế có tỷ lệ tăng cao nhất (10%/năm).
Thêm giải pháp xử lý chất thải y tế, tại sao không?
Ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM – tại một hội nghị chuyên đề kêu gọi đầu tư xử lý chất thải ở TP.HCM – nói: “Trước thực trạng ngày càng quá tải của chất thải y tế nguy hại trên địa bàn TP, chúng tôi hết sức quan tâm, kêu gọi các nhà đầu tư tăng cường hơn nữa các dự án đầu tư vào lĩnh vực xử lý chất thải y tế nguy hại. Hiện TP.HCM có thể đáp ứng khả năng xử lý chất thải y tế từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2020 – 2025, chất thải y tế quá tải, bắt buộc phải tìm thêm giải pháp xử lý. Ít nhất, phải kêu gọi 1 dự án xử lý chất thải rắn y tế, công suất 50 tấn/ngày. Năm 2030, TP phải xem xét khả năng đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý rác y tế Đông Thạnh, sau khi di dời về khu liên hợp Tây Bắc để tính toán khả năng kêu gọi đầu tư”.
Trong lúc đó, theo ông Huỳnh Minh Nhựt – Tổng giám đốc Công ty MTĐT: “Hiện nay, việc thu gom, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đang được thực hiện theo quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt, đúng với quy định của Thông tư liên tịch 58/2015 của Bộ Y tế và Bộ TN&MT về quản lý rác y tế. Cụ thể, chất thải y tế được các bệnh viện và phòng khám tư nhân phân loại theo hướng dẫn, bỏ vào bao nylon có bịt miệng kín theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Riêng tại các bệnh viện lớn, rác thải y tế sau khi phân loại, bỏ bịch nylon có bịt kín miệng thì phải bỏ vào thùng nhựa chứa rác y tế”.
Để thu gom lượng rác này, các đơn vị của Công ty MTĐT buộc phải dùng những trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng. Hiện Công ty MTĐT đã đầu tư 16 xe tải có trọng tải từ 0,8 tấn đến 7,4 tấn. Hơn 100 nhân viên tham gia từ khâu thu gom, vận chuyển và xử lý cũng đều được đào tạo kỹ năng cần thiết. Các đơn vị như Trung tâm Y tế dự phòng TP, Sở TN- MT và Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm môi trường (PC49) Công an TP.HCM luôn giám sát chặt chẽ quá trình thu gom và xử lý chất thải y tế.v.v… Ông Nhựt cũng cho biết: Từ năm 1994 đến nay, Công ty MTĐT chịu trách nhiệm thu gom chất thải y tế nguy hại của 432 cơ sở y tế công lập, 253 bệnh viện, phòng khám tư nhân và 492 phòng khám bác sĩ tư nhân tại các quận: Tân Phú, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Về công nghệ xử lý, Công ty MTĐT đang áp dụng công nghệ nhiệt phân (đốt ở nhiệt độ từ 1.100 độ C đến 1.200 độ C). Lượng tro thải sau khi đốt được xử lý bằng phương pháp hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn. Hiện có 2 cụm nhà máy xử lý chất thải y tế, có công suất xử lý 28 tấn/ngày đặt tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân (công suất bảy tấn/ngày) và xã Đông Thạnh, Hóc Môn (công suất 21 tấn/ngày).
Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn phát sinh. Thí dụ: TP đã có nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt hiện đại, nhưng lại thiếu bãi chôn lấp an toàn để xử lý tro sau khi đốt. Chính vì vậy, Công ty MTĐT đang kiến nghị UBND TP sớm phê duyệt chủ trương, cho phép Công ty MTĐT đầu tư một bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho việc chôn lấp tro đốt từ chất thải rắn y tế nguy hại. Ngoài ra, hiện có nhiều cơ sở y tế nằm trên khu vực đường cấm (hoặc có giờ cấm) xe tải ra vào; trong khi các đơn vị thu gom, vận chuyển buộc phải thu gom trong giờ hành chính. Do vậy, Công ty MTĐT kiến nghị các sở, ban ngành TP nghiên cứu, có giải pháp tháo gỡ bất cập trên cho công ty.v.v…
Hơn bao giờ, TP HCM phải tìm, đầu tư thêm giải pháp, hoặc dự án xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, trước thực trạng rác thải y tế ngày càng gia tăng và nhu cầu của xã hội cũng không ngừng phát sinh. Vì vậy, đề xuất hình thành bãi chôn lấp an toàn cho tro đốt sau khi xử lý chất thải y tế của Công ty MTĐT là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng nhu cầu của ngành y tế và người dân TP.HCM.
Theo: Laodong.vn